• Home
  • /
  • Du Lịch
  • /
  • Kinh nghiệm xin visa du lịch Hàn Quốc 5 năm tự túc nhập cảnh nhiều lần (C-3-1) năm 2024

Kinh nghiệm xin visa du lịch Hàn Quốc 5 năm tự túc nhập cảnh nhiều lần (C-3-1) năm 2024

Hàn Quốc vẫn luôn là một quốc gia đẹp và thơ mộng không chỉ trên phim ảnh, khiến nhiều người rất muốn tới du lịch khám phá nhưng lại ngại về thủ tục Visa rắc rối, vì đây cũng là một trong những quốc gia khó xin Visa bậc nhất Châu Á. Bài viết này mình sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm xin visa du lịch 5 năm nhập cảnh nhiều lần (C-3-1) của bản thân mình vừa trải qua.

I – Tổng quan bản thân

  • Mình là nam giới, 29 tuổi. Chưa lập gia đình. Hiện mình là một nhân viên văn phòng đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội
  • Hộ khẩu: Hà Nội
  • Học vấn: Đại học chính quy
  • Mức lương hiện tại: > 8000$/năm, lương chuyển khoản. Có đóng BHXH đầy đủ (BHXH rất quan trọng trong việc chứng minh tài chính – Mình sẽ nói ở bên dưới)
  • Lịch sử du lịch: Singapore (2017), Thailand (2018), Malaysia (2019), Thailand (2023), China (2023). Mình chưa từng đi Hàn Quốc lần nào.

II – Visa C-3-1 là gì?

Đối với cá nhân muốn nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch, Lãnh sự quán Hàn Quốc có chia ra một số loại Visa phổ biến như sau:

  • C-3-9: Visa lưu trú ngắn hạn (30 ngày), nhập cảnh 1 lần. Hạn sử dụng 3 tháng.
  • C-3-91: Visa lưu trú ngắn hạn (30 ngày), nhập cảnh nhiều lần. Hạn sử dụng 5 năm. Chỉ áp dụng cho những cá nhân có hộ khẩu tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.
  • C-3-1: Visa lưu trú ngắn hạn (30 ngày), nhập cảnh nhiều lần. Hạn sử dụng 5 năm. Visa này sẽ có nhiều diện xét duyệt, để biết mình có đáp ứng được tiêu chí xét duyệt visa này không, vui lòng tham khảo theo hướng dẫn của KVAC (Trung tâm nộp hồ sơ visa Hàn Quốc) ngay bên dưới

Đối với hoàn cảnh bản thân của mình, mình có thể phù hợp với 2 loại Visa C-3-91C-3-1. Ban đầu mình có chuẩn bị hồ sơ để nộp theo diện C-3-91, tuy nhiên hồ sơ này bắt buộc phải xin giấy xác nhận cư trú CT07 trên phường. Lãnh sự quán Hàn Quốc yêu cầu bản xác nhận này phải được gõ máy 100%, nhưng phường nơi mình cư trú thì không chấp nhận việc gõ máy, họ chỉ viết tay mục ngày tháng vào CT07. Do đó mình không thể nộp hồ sơ này cho lãnh sự quán. Hy vọng sau này những thủ tục hành chính trên nhà nước và lãnh sự quán có thể thống nhất đồng bộ với nhau để cho người xin visa đỡ khổ 😁

Vậy nên mình quyết định chuyển sang chuẩn bị hồ sơ để nộp Visa C-3-1 theo diện Người có mức thu nhập hàng năm trên $8000 thì sẽ không cần phải nộp CT07.

III – Quy trình nộp hồ sơ

Mình không gấp nên hồ sơ chuẩn bị trong vòng 1 tháng khá thoải mái. Sau khi đầy đủ thì mình lên website của KVAC tại địa chỉ KVAC Hà Nội cho công dân có hộ khẩu từ Đà Nẵng trở ra phía bắc, hoặc KVAC TP. Hồ Chí Minh cho công dân có hộ khẩu từ Đà Nẵng trở vào phía nam để đặt lịch hẹn nộp hồ sơ.

  • 22/01/2024: Đặt lịch hẹn (Lịch hẹn có thể đặt trước tối thiểu 2 ngày)
  • 24/01/2024: Nộp hồ sơ Visa tại KVAC Hà Nội. Phải in phiếu hẹn A4 và mang theo khi nộp hồ sơ, KVAC không chấp nhận tin nhắn lịch hẹn hay bản online.
  • 25/01/2024 – 18/02/2024: Sau khi nộp xong khoảng 1 ngày sẽ có tin nhắn xác nhận hồ sơ đã nộp cho Lãnh sự quán. Tin nhắn cũng sẽ cung cấp mã để bạn có thể tự kiểm tra trạng thái hồ sơ của mình.
    Lúc này trạng thái hồ sơ sẽ là Application Submitted (Hồ sơ đã được tiếp nhận bởi lãnh sự quán).
    Kiểm tra trạng thái hồ sơ tại KOREA VISA PORTAL
  • 19/02/2024: Trạng thái hồ sơ Under Review (Lãnh sự quán đang tiến hành thẩm định hồ sơ)
  • 20/02/2024: Trạng thái hồ sơ Approved (Hồ sơ được duyệt, bạn có thể download e-visa từ thời điểm này)
  • 21/02/2024: Nhận được tin nhắn lên lấy lại Passport và nhận kết quả Visa tại KVAC.

IV – Thành phần hồ sơ

Ở phần này, mình sẽ để tiêu đề màu đỏ là các thành phần bắt buộc phải nộp để xét duyệt visa C-3-1. Tiêu đề màu đen sẽ là những hồ sơ mình chủ động bổ sung để tăng độ mạnh cho hồ sơ.

Tất cả giấy tờ nếu có ngày tạo (Như bản công chứng, giấy xác nhận công việc, sao kê ngân hàng, …) thì phải được tạo trong vòng 2 tuần gần nhất so với ngày nộp hồ sơ.

Lưu ý: Lãnh sự quán Hàn Quốc sẽ không trả lại hồ sơ (Ngoại trừ Passport) kể cả bạn có đỗ hay trượt. Vì vậy tất cả các giấy tờ nộp hồ sơ (Ngoại trừ Passport) thì bạn chỉ cần photo công chứng chứ không cần thiết phải nộp bản gốc.

Mọi giấy tờ bạn cần in trên MỘT MẶT, không được phép in hai mặt giấy, ngoại trừ sao kê ngân hàng 12 tháng thì được in 2 mặt vì quá dài.

Ngôn ngữ của giấy tờ phải là tiếng Anh hoặc song ngữ. Nếu là tiếng việt thì phải đi dịch thuật công chứng

1 – Đơn xin cấp visa

Đầu tiên cũng là quan trọng nhất, bạn không thể thiếu được đơn này khi nộp hồ sơ xin visa. Đơn này bạn có thể tải xuống từ KVAC Hà Nội tại đây, trên đó có file Đơn và hướng dẫn điền đơn bằng tiếng Việt luôn

Đơn này mình viết tay tiếng Anh, toàn bộ chữ cái mình viết HOA trừ email, mực bút màu đen (màu mực KVAC có ghi rõ là màu đen khi mình đặt lịch hẹn), mình điền đầy đủ trước ngày nộp hồ sơ. Bạn cũng cần một tấm ảnh chân dung 3,5 x 4,5cm nền trắng để dán lên hồ sơ.

Ví dụ:

  • Full Name: NGUYEN VAN A
  • Name of School: HANOI UNIVERSITY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY
  • Location of School: 1ST DAI CO VIET, BACH KHOA WARD, HAI BA TRUNG DISTRICT, HANOI CITY

2 – Thư giải trình (Cover letter)

Dù đại sứ quán không yêu cầu nhưng đối với mình, đây là một giấy tờ ghi điểm rất quan trọng. Bạn nên chuẩn bị thư giải trình để viết rõ về: Mục đích chuyến đi đơn thuần là du lịch, bạn hiện tại đang có công việc với một mức lương tốt ở Việt Nam, các mối quan hệ ràng buộc ở Việt Nam như bạn bè/người thân, …. sao cho thể hiện được cho họ hiểu là mình chỉ muốn tới du lịch, sau đó sẽ trở về Việt Nam và sẽ không trốn định cư bất hợp pháp.


Lưu ý: Vì bạn đang xin visa du lịch 5 năm nhập cảnh nhiều lần, nên hãy tìm lý do phù hợp để chứng minh vì sao bạn cần phải nhập cảnh nhiều lần thay vì một lần.

3 – Passport bản gốc kèm bản photo có công chứng

Hộ chiếu bản gốc và bản sao có công chứng là tài liệu bắt buộc phải nộp khi xét duyệt hồ sơ. Bạn photo trên một mặt giấy, đại sứ quán chỉ yêu cầu photo những trang có dấu. Nhưng mình khuyên nên photo tất cả các trang luôn vì không hơn bao nhiêu tiền.

Hộ chiếu bạn chỉ cần photo công chứng chứ không cần dịch thuật.

4 – CCCD/CMND bản photo

Lãnh sự quán chỉ yêu cầu nộp CCCD/CMND bản photo không cần công chứng hay dịch thuật. Tuy nhiên như đã nói, tất cả giấy tờ mình công chứng toàn bộ vì cũng không hơn bao nhiêu tiền.
Đối với những bạn sử dụng hộ chiếu cũ có ghi CMND, hãy photo cả CMND cũ nộp kèm.

5 – Hợp đồng lao động bản photo có công chứng

Đây là một trong những giấy tờ quan trọng để chứng minh công việc. Mình làm tại công ty hiện tại hơn 3 năm, đã ký 3 hợp đồng và 2 phụ lục. Mình photo công chứng tất cả và chỉ nộp bản sao.

Nếu hợp đồng của bạn là tiếng Việt thì sẽ phải đi dịch thuật công chứng.

Nếu hợp đồng của các bạn in 2 mặt nhưng có dấu giáp lai thì vẫn có thể photo 2 mặt được, để giữ được dấu giáp lai.

6 – Giấy xác nhận công việc

Bạn hãy xin nhân sự công ty cung cấp giấy xác nhận công việc (Tiếng Anh) hoặc có thể tự tìm form trên mạng và in ra nhờ công ty ký và đóng dấu.
Trong giấy này phải thể hiện đủ: Họ tên, CCCD, Thời gian làm việc ở công ty, Chức vụ, Mức lương.

Đại sứ quán chỉ chấp nhận ngày xin giấy xác nhận phải trong 2 tuần gần nhất so với ngày nộp hồ sơ.

7 – Xác nhận lương 12 tháng gần nhất từ công ty

Công ty mình có phiếu lương (Payslip) tiếng anh gửi về email hàng tháng. Vì vậy mình chỉ cần in Payslip 12 tháng gần nhất và xin công ty đóng dấu xác nhận.

Nếu bạn không có Payslip thì lên mạng search mẫu xác nhận lương tiếng anh có rất nhiều rồi xin dấu công ty.

Bạn có thể dùng bút nhớ để hightlight Payslip ở các vị trí quan trọng như: Kỳ lương tháng nào, Ngày trả lương, Tổng lương thực lĩnh.

8 – Sao kê lương 12 tháng gần nhất từ ngân hàng

Mình sử dụng Techcombank có phí sao kê song ngữ là 11.000 VNĐ/tháng. Sao kê giao dịch thì có thể in 2 mặt, ngôn ngữ tiếng Anh hoặc song ngữ, phải có dấu xác nhận của ngân hàng.

Bạn phải dùng bút nhớ để hightlight sao kê ở những chỗ thể hiện lương nhận vào sao cho trùng khớp với Payslip ở bên trên.

Đại sứ quán chỉ chấp nhận ngày sao kê phải trong 2 tuần gần nhất so với ngày nộp hồ sơ.

9 – Quá trình tham gia bảo hiểm xã hội

Đây là một giấy tờ rất quan trọng mặc dù lãnh sự quán không nói yêu cầu, nhưng nó chứng minh được bạn có một mức lương tốt và ổn định. Nếu hồ sơ bạn có đẹp thế nào nhưng không có BHXH thì tỉ lệ đỗ visa cũng rất hên xui.

Mình vào công ty từ tháng 05/2020 tới nay (01/2024). Nhưng app VSSID hiển thị thiếu khoảng thời gian 05/2020 -> 12/2020 của mình, nhưng rất may đại sứ quán không gọi hỏi lý do.

Để chuẩn bị giấy tờ này, bạn hãy đăng nhập VSSID bằng số bảo hiểm của bạn > Chuyển ngôn ngữ tiếng anh > Chụp màn hình hết các màn Personal Information/Social Security Participation RecordChi tiết từng năm đóng. Sau đó bạn in mỗi ảnh trên một mặt A4, rồi viết ID/Password đăng nhập VSSID ở trang đầu tiên để đại sứ quán có thể thuận lợi trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Có nhiều trường hợp không viết ID/Password VSSID thì đại sứ quán có thể gọi điện cho bạn yêu cầu cung cấp để xác thực thông tin nếu họ nghi ngờ hồ sơ. Vì vậy, tốt nhất là hãy thêm vào ngay từ đầu.

Tips: Đặt password lovekorea, korealover, … cũng có thể tạo thiện cảm cho người thẩm định hồ sơ.

10 – Sổ hộ khẩu bản photo

Đại sứ quán không yêu cầu giấy tờ này đối với visa C-3-1, tuy nhiên mình cũng có photo công chứng để tăng tỉ lệ thành công do hộ khẩu mình ở vùng mạnh.

Nếu hộ khẩu các bạn cũng ở vùng mạnh thì có thể photo nộp kèm theo, còn nếu không thì không cần nộp. Đây không phải là giấy tờ bắt buộc.

11 – Bằng đại học bản photo

Đại sứ quán không yêu cầu giấy tờ này, tuy nhiên mình cũng có tham khảo ở nhiều nơi là nên nộp kèm để chứng minh mình có học vấn tốt. Đó cũng là một điểm cộng cho hồ sơ vì thường thì ai cũng thích khách đến chơi nhà phải có học thức đúng không nào ^^.

12 – Xác nhận sổ tiết kiệm

Mình có sổ tiết kiệm online 200.000.000 VNĐ kỳ hạn 3 tháng tại VPBank. Sổ mình cho tới ngày nộp hồ sơ là chỉ còn 1 tuần là đáo hạn nhưng mình vẫn nộp cùng hồ sơ.
Sổ tiết kiệm không phải là yêu cầu bắt buộc đối với diện thu nhập trên $8000. Tuy nhiên nếu có thể thì các bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một cái để tăng thêm độ mạnh hồ sơ.
Để chuẩn bị sổ tiết kiệm, các bạn cần sổ tối thiểu 5.000 USD, kỳ hạn tối thiểu 3 tháng và đã gửi tối thiểu được 1 tháng.
Nếu đầu HCM thì đại sứ quán chỉ chấp nhận sổ giấy chứ không chấp nhận online.

13 – Xác nhận hạn mức thẻ tín dụng

Để chứng minh mình có nguồn tài chính đảm bảo cho chuyến đi, mình có xin thêm giấy xác nhận hạn mức thẻ tín dụng cho chắc chứ đại sứ quán không yêu cầu. Vì vậy, nếu có thẻ tín dụng hạn mức tốt ($2000 trở lên) và lịch sử giao dịch nhiều, các bạn có thể xin xác nhận và sao kê giao dịch thẻ tín dụng để tăng thêm độ uy tín.

Thẻ tín dụng mình của VPBank hạng Signature, hạn mức 75.000.000 VNĐ đã sử dụng từ năm 2020.

14 – Xác nhận đặt phòng khách sạn

Đây là giấy tờ ghi điểm dễ dàng nhất vì bạn chỉ cần lên đặt một cái khách sạn trên các trang đặt phòng cho hủy miễn phí như Booking.com

Bạn hãy chọn lịch lưu trú cách ngày nộp hồ sơ khoảng 2-3 tháng, để sau khi có visa thì mình vẫn còn thời gian hủy miễn phí theo quy định của các trang đặt phòng. Sau đó in bản xác nhận đặt phòng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn và nộp kèm hồ sơ.

Mình không đặt vé máy bay dù biết có những trang cho phép đặt trước trả tiền sau. Nếu các bạn muốn thì cũng có thể đặt thêm vé máy bay cũng không sao.

Vì những giấy tờ này chỉ có khoảng 1-2 trang nên mình có in màu cho hồ sơ thêm sinh động 😁😁

15 – Lịch trình du lịch dự kiến

Vì mục đích là du lịch nên lịch trình gần như cũng không thể thiếu, vậy nên bạn hãy dành thời gian để lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi của mình (Mặc dù chỉ là dự kiến vì xin Visa 5 năm hiếm có ai xác định trước ngày đi).

Khi làm lịch trình bạn nên chú ý chọn những dịp lễ được nghỉ dài ngày (Tết, quốc khánh, 30/4 – 1/5) để tránh phải xin thêm Đơn xin nghỉ phép, và cũng để phù hợp với lý do không ảnh hưởng tới công việc hiện tại.

Lịch trình của bạn phải có tính logic giữa các điểm (Thời gian, phương tiện di chuyển, chi phí phù hợp với budget)

V – Chi phí làm visa

  • Phí nộp hồ sơ visa qua KVAC: 80$ (Phí hồ sơ visa Hàn Quốc) + 390k (Phí dịch vụ KVAC) = 2370k
  • Phí sao kê ngân hàng: 13 tháng = 143k
  • Phí photo công chứng: CCCD, CMND cũ, Passport, Sổ hộ khẩu, Bằng đại học = ~200k
  • Tổng chi phí: ~ 2.700.000 VNĐ

VI – Tổng kết

Visa Hàn Quốc là một trong những loại visa khó xin nhất châu Á. Vì vậy, nếu hồ sơ bạn chưa đủ mạnh thì hãy bắt đầu bằng việc xây dựng cho mình một background tốt như: Bắt đầu tạo lịch sử du lịch bằng cách đi các nước miễn visa trong Đông Nam Á, hoặc đi các nước dễ xin visa hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, … Các bạn cũng nên bắt đầu xây dựng sổ tiết kiệm hoặc chuyển hướng sang xin Visa C-3-9 nhập cảnh một lần.

Chia sẻ của mình tới đây là hết 😁 bài viết của mình chỉ có giá trị tham khảo cho những người thực sự muốn làm hồ sơ du lịch. Mình không ủng hộ việc nhập cảnh bất hợp pháp dưới mọi hình thức. Hy vọng các bạn sẽ sớm có cho riêng mình chiếc visa quyền lực bậc nhất Châu Á này. Cám ơn và chúc mọi người may mắn 🎉🎉

Leave a Reply